Công ty TNHH Ngôi nhà Mỹ thuật Bình Dương

Thiết kế Thi công Trang trí Quán cafe trà sữa trọn gói rẻ đẹp tại Bình Dương

Thiết kế quán 3D

Bạn sẽ nhìn thấy quán của chính mình trước khi nó ra đời

Thi công chuyên nghiệp

Thi công trọn gói - chìa khóa trao tay

Xe bán hàng lưu động

Giải pháp mới cho ngành kinh doanh thức ăn nhanh

Đào tạo mỹ thuật

Dạy nghề cấp Chứng Chỉ

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Nghiên cứu về Tứ Linh ở Việt Nam (P3) - Quy

Nghiên cứu Tứ Linh: Lân, Long, Qui, Phụng trong Mỹ Thuật Việt Nam (Phần 3)



Lân, Long, Qui, Phụng là những linh vật quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều dân tộc phương Đông. Trong đó chỉ có Rùa là Linh vật có thật, ai trong chúng ta cũng biết đến. Thế nhưng hình tượng rùa trong Văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam qua các thời đại chuyển biến như thế nào? Bài viết này Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ chia sẻ nghiên cứu về Linh vật đứng hàng thứ 3 này.

RÙA


BIỂU TƯỢNG VỮNG CHẮC CỦA SỰ TRƯỜNG SINH BẤT TỬ

Trước tiên, Rùa tượng trưng cho sự trường thọ và bền vững bói vì tự bản thân loài sinh vật này có khi kéo dài cả ngàn năm hay còn hơn thế nữa. Về phương diện sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư, tuổi thọ rất cao, có thân hình vững chắc, cứng rắn, gợi nên vẻ bền vững của đá tảng, lại giỏi nhịn ăn như là một khả năng tự vệ vô cùng lạ lùng. Rùa sống rất lâu. Như gần đây, một nhà nông ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bắt được một con rùa lạ ở núi Tiên Nham. Con rùa đó đã được xem xét kỹ lưỡng và được kết luận là đã sống qua trên dưới 800 năm. Chúng ta cũng còn nhớ chuyện Tư Mã Thiên chép trong sách Sử Ký: có một ông già đặt con rùa làm vật kê dưới chân giường. Hai mươi năm sau, con cháu cụ già di chuyển chiếc giường và phát hiện con rùa vẫn còn sống dù không được ăn uống gì cả.

Bên Trung Quốc, đời nhà Đường, vua Hiến Tông (806-820) được một viên quan tuần phủ tiến dâng một con Rùa có lông, nhà vua rất đẹp lòng, xem như là một lời cầu chúc cực kỳ tốt đẹp. Thực sự làm gì có chuyện Rùa có lông, đấy chỉ là rong rêu theo chiều dày của thời gian mà bao phủ quanh mu Rùa, đúng như mấy chữ ẩn dụ trong kinh Lăng Nghiêm: Qui mao thố giác (lông rùa sừng thỏ) để chỉ những sự việc không thể nào có được.

Do cuộc sống như thế của loài Rùa, chúng ta có thành ngữ Linh qui hạc phát (tuổi rùa tóc hạc), mái tóc bạc trắng phau như lông chim hạc, cộng thêm với tuổi thọ qua nhiều thế kỷ của con rùa, là lời chúc đẹp đẽ nhất trong những dịp kỷ niệm thượng thọ, cũng là lời chúc mừng với các bậc trưởng lão vào buổi đầu xuân ấm áp khí dương.

Theo cổ sử Trung Hoa, vào hồi đại thủy tràn khắp cả nước, vua Hạ Vũ (2205-2198 TTL)đi trấn nước lụt, đào sông khai ngòi cứu cả trăm họ, bấy giờ có con thần qui hiện lên ở sông Lạc, mang trên mình những vạch chữ kỳ lạ nên bắt chước mà xếp ra cừu trù, đấy là nguồn gốc các mối luân thường và chính trị. Cũng như vua Phục Hy thấy đồ hình trên con Long mã trên sông Hoàng Hà, nhân đó bắt chước mà làm ra 8 quẻ, để làm tượng cho những sức vô hình, tức là thiên đạo, nền tảng của dịch lý, là nguồn gốc của văn tự, văn học và triết học của một dòng lớn phương Đông cố đại.

Vì dáng vẻ bên ngoài gây ngay ấn tượng của một khối thể vững chắc, con Rùa được người Trung Hoa xem là biểu tượng của sự bền vững, và cũng do thế ở nhiều nơi nó được thờ phượng làm vị thần bảo hộ các đê điều.

Lần theo dấu vết cũ, sử xưa cũng cho chúng ta biết: vua Nghiêu đã từng nhận cống vật của người Việt thường ở phương Nam (tức Giao Chỉ, gốc tổ người Việt sau này) vào năm Mậu Thân (2353 trước TL). Cống vật là con Linh qui, đường kính lớn 3 xích (1m2), bên trên lưng con Rùa thần này có hình những chữ khoa đẩu tức là những dáng chữ lăng quăng giống như con nòng nọc, đâu to đuôi nhỏ. ghi chép tất cả những biến chuyển trọng đại từ thuở khai trời mở đất. Vua Nghiêu truyền lệnh chép lại những bản văn thiêng trên lưng Rùa.

RÙA TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM


Rùa đội bia - Huế
Đối với chúng ta, trên con đường gian khổ hình thành lịch sử dân tộc, con Rùa linh cũng đã hai lần xuất hiện trở lại với đất nước. Lần thứ nhất, Rùa vàng tức là thần Kim qui đã giúp cho An Dương Vương (257-208 trước Công nguyên) xây thành Cổ Loa và đã tặng nhà vua chiếc móng để làm lẫy nỏ bảo vệ tổ quốc Âu Lạc. Lần thứ nhì, khi Lê Lợi chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Rùa thần đã cho vị thủ lĩnh cuộc kháng chiến mượn thanh bảo kiếm để bình định giặc Minh. Nhưng khi trăm họ đã yên, đất nước đã vãn hồi nền độc lập thì Rùa thần đến đòi lại kiếm. Nhà vua gặp Rùa thần và trả lại kiếm trên hồ Tả Vọng, nên từ đó hồ cũng có tên là Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm. Ngày nay, dưới chân tháp Rùa, đôi khi chúng ta còn gặp vài con Rùa rất lớn bò lên phơi minh dưới nắng ấm, và nơi đền Ngọc Son cùng trong phạm vi của hồ, nhân dân còn bảo tàng được xác một con Rùa bằng cả cái nia to nhất, được ước đoán ít lắm cũng đã sống trên 700 năm.


Con Rùa là hình tượng rất thân thuộc nơi các công trình văn hóa chung, quen thuộc nhất là những con Rùa được đục đẽo bằng đá, khắc tạc rất vững chắc, đang đỡ lấy trên lưng mình tấm bia đá nặng ghi công đức những bậc danh nhân và hiền tài của đất nước. Điển hình là những hàng bia trước sân Văn Miếu (Hà Nội), chính vua Lê Thái Tông đã ra lệnh dựng bia tiến sĩ đầu tiên mở vào khoa Nhâm Tuất (1442) để lưu truyền vạn cổ, làm tấm gương sáng cho muôn đời.

Tượng Rùa đội hạc
Như 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê ở Hà Nội, 32 tấm bia tiến sĩ thời Nguyễn trước sân Văn Miếu Huế, dựng bằng đá thanh hoặc đá cẩm thạch, cũng được những con Rùa đá vững chắc đỡ lấy ở bên dưới. Hy vọng con Rùa vững bền thiên niên sẽ đỡ lấy tấm bia đá trường cửu cùng với thời gian và lịch sử.

Rùa đội bia Tiến sĩ tại Văn Miếu
Thương thay thân phận con Rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.

Vào thế kỷ 19, nơi mỹ thuật thời Nguyễn, con Rùa thường được sử dụng như một mô-típ trang trí trong đồ hình tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng) hoặc đôi khi chỉ đứng riêng rẽ một mình. Những khi ấy Rùa thường mang trên mình một bộ cổ đồ hay lạc thư, hoặc một chồng sách, cây bút, thanh gươm…, đằng miệng thường phun ra một tia nước khá ngoạn mục, thường gọi là “thủy ba”. Ngoài dạng Rùa y như thực, chúng ta còn gặp những dáng Rùa cách điệu, từ một cánh lá sen hay từ nhiều loại hoa, lá, cây, trái khác biến thể mà thành.

RÙA TRONG PHONG THỦY HỌC VÀ THIÊN VĂN HỌC

Trong phong thủy học có phân loại 4 phương vị tại một vị trí, đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Thì rùa là 1 phương vị trong đó: Huyền Vũ.
Huyền Vũ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen (huyền, 玄) là màu của hành Thủy ở phương Bắc, do đó tương ứng với mùa đông. Hình dạng khởi thủy của Huyền Vũ là con "vũ" màu đen, với Vũ là một linh vật kết hợp của rắn và rùa. Đây là linh vật rất cổ của Trung Hoa. Trong truyền thuyết về tổ của người Trung Quốc, Phục Hi là Tổ phụ, Nữ Oa là Tổ mẫu, thì Phục Hi có hình rùa, Nữ Oa có hình rắn. Sự kết hợp giữa rắn và rùa tượng trưng cho Trường Tồn và Sức Mạnh.

Trong thiên văn, Nhị thập bát tú là 28 chòm sao lấy Sao Bắc Đẩu làm khởi điểm mà sắp xếp. Tên gọi của 28 chòm sao có liên quan tới Tứ tượng gồm: 7 sao Thanh Long ở phương Đông, 7 sao Huyền Vũ ở phương Bắc, bảy sao Bạch Hổ ở phương Tây, 7 sao Chu Tước ở phương Nam.

Tại Việt Nam, Huyền Vũ còn được gọi là Trấn Vũ (hay Trấn Võ), Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn trị phương Bắc. Thần đã giúp An Dương Vương trừ các loại ma quỷ trong lúc xây thành Cổ Loa (cùng thần Kim Quy). Thần được thờ trong Đền Quán Thánh (Trấn Vũ Quán) - là một trong Thăng Long tứ trấnThăng Long tứ quán, được xây dựng dưới thời Lý Thái Tổ(1010-1028)

Ngôi nhà Mỹ thuật,
Biên soạn từ các nguồn : Wikipedia & nghethuatxua

Nghiên cứu về Tứ linh ở Việt Nam (P2) - Lân

Nghiên cứu Tứ Linh: Lân, Long, Qui, Phụng trong Mỹ Thuật Việt Nam (Phần 2)


Đã có dịp xem xét về con Rồng qua phần 1, bây giờ chúng ta lần lượt đi tìm ý nghĩa cùng những dáng vẻ của ba linh vật còn lại. Trong Phần 2 này, Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ chia sẻ một số nghiên cứu về Linh vật đứng thứ hai trong Tứ Linh:

KỲ LÂN


Lân là con vật thần thoại, sản phẩm thuộc trí tưởng tượng nguyên sơ của con người. Lân cũng gọi là Ly hay thường gọi nhất là Kỳ Lân, nhưng theo định nghĩa của tự điển thì Kỳ là để chỉ con Lân đực và Lân là con Lân cái (Đại Nam Quốc âm tự vị, Tome I, trang 510, Saigon, 1895).
tuong ky lan ngoi nha my thuat
Một bức tượng kỳ lân tại Ngôi nhà Mỹ thuật

Hình tượng và ý nghĩa

Léopold Cadière dẫn lại từ Tự điển của J.F.M Génibrel (Dictionnaire Vietnamien – Francais, Saigon, 1988) gọi nó là con Nhân sư (Sphinx), chẳng hiểu tại sao còn giải thích nghĩa thêm vào là thần điểu (Oiseau fabuleux) (l).

Thường thì nó được mô tả gần như một con sư tử, là loài thú có sừng trước trán, đuôi như đuôi bò, mình nai, vảy cá. Theo với phong tục xưa nay, Kỳ lân là hình ảnh tượng trưng của lòng nhân và đức từ bi, của thời thái bình hoan lạc, vẫn được gọi là nhân thú, không bao giờ hại người và vật sống, không dẫm lên cỏ non tươi, không hại đến một sinh vật bé nhỏ nào dù chỉ là một con sâu, cái kiến.

Cũng như loài Phượng, rất hiếm khi Kỳ lân xuất hiện. Chỉ những bậc vương giả minh quân và thánh nhân đức độ mới xứng đáng được nhìn thấy nó, khi ấy nó mình như hươu, đuôi bò, đầu chó sói, móng ngựa và có sừng ngắn bằng thịt.

Với linh giác đặc biệt, Kỳ lân rất tinh khôn, người ta đã từng đào hố chăng bẫy mà chẳng thể bắt được, tuy thế đã có sách Trung Hoa ghi chép việc Lân xuất hiện rồi bị bắt một cách rất huyền hoặc như vầy: Trước khi sinh Khổng Tử, mẹ ngài là bà Nhan Thị thấy xuất hiện một con Kỳ lân nhả tờ ngọc thư có chữ đề Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương (2). Bà Nhan Thị thấy vậy bèn bắt lấy, buộc dải lụa vào sừng, nhưng chỉ mấy ngày sau Kỳ lân bỗng nhiên biến mất. Năm Khống Tử 71 tuổi, trước ngày mất hai năm lại có Kỳ lân hiện ra nhưng là con lân què một chân do một người đi hái củi bắt được, mọi người cho là điềm bất thường, đem thả ra ngoài đồng. Ông Nhiễm Hữu, môn đệ của Khổng Tú đi xem về nói với Khổng Tử rằng “con đó thân giống con nai mà sừng bằng thịt há là loại yêu quái trên trời xuống chăng?” Khổng Tử đi xem trông thấy khóc ròng rất thương cảm mà nói: “Kỳ lân ra làm gì thế? Đạo ta đã đến lúc cùng rồi vậy.” Rồi hát rằng:

Đời Đường đời Ngu Lân Phượng ra
Nay không phải thời nên tránh xa.
Lân ôi! Lân ôi! Đau lòng ta!
Duy có Lân mới biết Thánh nhân!
Duy có Thánh nhân mới biết Lân! (3)

Khổng Tử viết kinh Xuân Thu. chép đến chuyện “bắt được con Kỳ lân ngoài đồng” thì gác bút không viết nữa nên kinh Xuân Thu thường cũng được gọi là Lân Kinh hay Lân Sư.

Tất nhiên đây chỉ là việc hoang đường huyễn hoặc nhưng xưa nay đối với những bậc vĩ nhân xuất chúng, chuyện thêu dệt ấy chỉ là việc bình thường; cái quan trọng đối với chúng ta là qua đấy mà hiểu cùng cảm thêm được chiều sâu tâm tưởng và cái đẹp của nghệ thuật do sự kiện đưa lại mà thôi.

tuong ky lan Ngoi nha My thuat
Tượng Kỳ Lân trang trí do Ngôi nhà Mỹ thuật tạo hình

Cũng nên biết thêm một chút nữa, do ý nghĩa tôn quý của hình tượng Kỳ lân, dưới các triều đại phong kiến trước đây, thành ngữ vết chân lân, thường chỉ đến dòng dõi vua chúa, và để nói đến các hoàng tử, vương tôn thì gọi là Sừng lân, Lân chỉ (chỉ: ngón chân) là tên một thiên trong Kinh thi nói về con cháu vua Văn Vương nhà Chu đều hay tốt, có đức, có tài. Trong vũ khúc Tứ Linh của cung đình nhà Nguyễn, để múa vào những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ. Thiên xuân, ngoài hai con Rồng, hai con Lân, hai con Phượng, hai con Rùa, còn có một con Lân con cùng uyển chuyển hòa hợp trong điệu múa, là do từ ý Lân Mẫu xuất Lân nhi, Lân mẹ sinh ra Lân con hàm nghĩa cha mẹ thông minh sinh ra con cái trí tuệ sáng láng. Con Lân con (Lân tử hay Lân nhi) còn để ám chỉ đến con cái nhà quyền quí, cốt cách hơn người. Đại chúng hóa hơn nữa, nơi các cổ kiệu đám cưới thường có bốn chữ Kỳ lân tại thử là lời cầu chúc tốt lành đại cát cho các cặp tân nhân.

Kỳ Lân tại Việt Nam

Trong nghệ thuật tạo hình truyền thống, Kỳ lân là một mô-típ trang trí khá phổ biến. Mỹ thuật thời Nguyễn hiện nay tương đối vẫn còn toàn vẹn ở Huế là một hiện trường rất tốt để có thể dễ đàng khảo sát hình tượng này.

Ỏ miền Bắc, trên các trụ biểu dẫn vào những di tích kiến trúc cũ, chúng ta vẫn gặp thấy con Kỳ lân án ngữ cùng với rêu phong tuế nguyệt. Thỉnh thoảng, nơi các văn bia đây đó, như trên trán bia Tiến sĩ bằng đá dựng ở Văn miếu Hà Nội năm 1653, có hình hai con Lân chầu mặt trời đang tỏa sáng. Hay trên bia đá chùa Linh Quang ở Hải Phòng (1719), cạnh những con thú dân gian khác như nai, ngựa, mèo. cá, tôm, chuột, con Lân cũng hiện ra trong một dáng vẻ rất sinh động .
Ky lan Viet Nam
Kỳ lân trên bình phong trước một ngôi miếu, mỹ thuật Huế
Thuộc về nền văn hóa và mỹ thuật Huế, có một điều phải để ý là ít khi Cũng con thú ấy mà khi thi gọi là Kỳ lân, khi gọi là Long mã, có lẽ vì hình dáng con Lân vừa giống con Rồng vừa giống con Ngựa chăng?

Thường thì Kỳ lân được tô vẽ hoặc đắp nổi và khảm sành sứ trang trí trên bình phong chắn trước các cung điện, đền đài của vua chúa hoặc trước các chùa chiền miếu mạo. Và dù xuất hiện ở đâu đều cũng rất thuần nhất vì lúc nào cũng mang trên lưng một bộ cổ đồhay một hình bát quái của vua Phục Hi. Nguyên vào thời Phục Hi chưa có chữ viết và sách vở, một hôm vua Phục Hi thấy hiện lên từ dưới sông Hoàng Hà một con Long mã đầu rồng, minh ngựa, đuôi rồng, mà trên lưng có những đường vạch kỳ lạ, mới nhân đấy bắt chước mà vạch ra bát quái. Hình đồ trên lưng con thú ấy gọi là Hà đồ, chính là nguyên ủy các văn tự, văn học và triết học Trung Quốc.

Ky lan Viet Nam
Lư hương có hình Kỳ Lân
Mỹ thuật Huế
Mỹ thuật thời Nguyễn, có chịu ít nhiều ảnh hưởng phong kiến phương Bắc nên dễ hiểu khi chúng ta gặp thấy những con Kỳ lân thường bao giờ cũng mang trên lưng một bộ cổ đồ hay một đồ hình bát quái. Bộ cố đồ ấy chính là chồng sách có dải lụa quấn chung quanh đôi lúc bay phất phới, đặt ngay ngắn trên yên của con Lân, và tùy vào cảm hứng của nghệ sĩ lúc tô vẽ, khắc chạm, muốn làm cho phong phú hơn theo trí tưởng tượng cua mình mà thêm bớt vào một quản bút hay một thanh kiếm, một cái quạt, một ống tiêu rút ra từ mô-típ bát bủu cũng rất quen thuộc đối với các nghệ sĩ cổ truyền.

Kỳ lân xuất hiện chú yếu trên các bình phong nhưng đôi lúc cũng được đục chạm trên bộ sườn nhà như xuyên, trến, cột, kèo, và thỉnh thoảng được đắp nổi cuối đường gờ hai bên mái nhà như một dấu nhấn góp thêm phần vững chắc cho toàn bộ công trình kiến trúc và trang trí (ở vị trí này, thường là Rồng hay Phượng xuất hiện, Lân thì rất hiếm hoi).

Có một điều hơi lạ là trên đầu trụ biểu dựng trước chùa chiền đình miếu thường có con thú trông giống như con sư tử, rất dễ nhận ra ở đầu, đuôi, bộ lông, nhất là những vuốt nhọn chứ không phải móng, vậy mà người Việt ta vẫn gọi là Kỳ lân hay con Nghê. Léopold Cadiêre khi khảo sát về mỹ thuật Huế đã dễ dàng nhận ra điều này, nhưng ông vẫn xếp nó vào loại kỳ lân đúng như cách gọi và lòng tin của người Việt (L’Art à Huế, p.59).

Gần như trên, chúng ta côn gặp một số tượng trang trí nhỏ gọi là Kỳ lân thực ra chính là sư tử, cũng thế với trường hợp con Lân chính là lư hương và trên lưng nó còn có một con lân khác nhỏ hơn nữa dùng để làm nút cầm cho nắp lư. Ngoài những thể dạng trên, từ những họa tiết trang trí hoa trái cách điệu đôi lúc cũng biến chuyển mà thành. Lân như một cành lê, một nhánh cúc, một cành mẫu đơn chuyển hóa thành Lân.

Kỳ lân đã cùng với Rồng và Rùa tập hợp thành một vẻ đẹp tuy có phần thâm nghiêm, nhiều lúc đã gắn bó quá đà với nền nghệ thuật cung đình mà như quên lãng nhân dân, nhưng nói chung, đối với toàn thể dân tộc nó vẫn là một di sản cổ kính quý báu, mãi mãi là kỷ niệm đẹp đẽ, là một phần máu thịt sâu sắc của đất nước vậy.

Ngôi nhà Mỹ thuật,
Sưu tầm từ các nguồn :
Wikipedia & nghethuatxua

Nghiên cứu về Tứ Linh ở Việt Nam (P1) - Long

Nghiên cứu Tứ Linh: Lân, Long, Qui, Phụng trong Mỹ Thuật Việt Nam (Phần 1)



long lan quy phung
Long Lân Quy Phụng trước Viện Cơ mật Mỹ thuật Huế


Lân, Long, Qui, Phụng là những linh vật quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều dân tộc phương Đông. Ngoại trừ rùa là con vật có thực, ba linh vật còn lại đều là sản phẩm của trí tưởng tượng kỳ diệu của con người.

Bài viết này Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ dẫn một số nghiên cứu về Linh vật đầu tiên:

RỒNG

Con rồng Việt Nam là hình tượng trang trí trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, mang bản sắc riêng theo trí tưởng tượng của người Việt. Khác với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa ở Trung Hoa cũng như ở quốc gia khác

Là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng Rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Hình tượng con Rồng trong các thời kỳ lịch sử mỹ thuật (thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn) có những đặc điểm khác nhau. Việc xác định phong cách thể hiện con Rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào.

Hôm nay Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ đưa ra một số hình ảnh và mô tả để Quý vị và các bạn có thể dễ dàng phân biệt được hình tượng Rồng qua các triều đại Việt Nam.

1. Hình tượng con Rồng thời Lý
Con rong thoi Ly
Con rồng thời Lý
Trên các hiện vật điêu khắc đá và gốm còn truyền cho đến nay, các nhà khoa học chỉ thấy Rồng tạc dưới dạng phù điêu, không thấy chạm chìm và chạm tròn. Đó là những con Rồng thân tròn lẳn, khá dài và không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Các nhà nghiên cứu gọi đây là Rồng hình giun hay hình dây. Con Rồng thời này mang hình dạng của một con rắn.

Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên; có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc.

Thân Rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng có đốt ngắn như bụng rắn. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phiá trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống như loài chim.

2. Hình tượng con Rồng thời Trần
con rong thoi Tran
Rồng thời Trần


Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con Rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không những chỉ có trên điêu khắc đá và gốm, mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở chùa. Rồng cũng không chỉ có ở các vị trí trang nghiêm mà còn có mặt ở các bậc thềm (như ở chùa Phổ Minh).
Thân Rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như Rồng thời Lý. Có khi vảy lưng có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Chân Rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như Rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu.

Thời Trần, Rồng xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tay. Đầu Rồng không có nhiều phức tạp như rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng Rồng há to nhưng không đớp quả cầu. Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Cách thể hiện Rồng không chịu những quy định khắt khe như thời Lý. 

Hình ảnh Rồng chầu mặt trời xuất hiện sớm nhất trong lòng tháp Phổ Minh (Nam Định), có niên đại khoảng 1305 -1310. Đôi Rồng ở đây được bố trí trong một ô tròn, chạy ngược chiều kim đồng hồ, đầu ngoái lại chầu một vòng tròn nhỏ ở giữa, thể hiện mặt trời dưới dạng một vòng tròn đơn giản.

 3. Hình tượng con Rồng thời Lê
rong thoi Le
Rồng thời Lê


Đến thời Lê, Rồng có sự thay đổi hẳn, Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu Rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng Rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông mày vẫn giữ hình dáng biểu tượng ômêga, nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thường thấy ở các con Rồng đời sau. Cổ Rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con Rồng trước đó. Như vậy, Rồng mang dạng thú xuất hiện cuối đời Trần đã thấy phổ biến ở đời Lê Sơ nhưng vẫn còn mang dáng dấp truyền thống của loài rắn.

4. Hình tượng con Rồng thời Trịnh - Nguyễn
rong Trinh Nguyen
Rồng thời Trịnh - Nguyễn


Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình Rồng mẹ có bầy Rồng con quây quần, Rồng đuổi bắt mồi, Rồng trong cảnh lứa đôi. Con Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ; hai Rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ... Phần lớn mình Rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu Rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt Rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, trên lưng Rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng Rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.

Ngôi nhà Mỹ thuật,
Sưu tầm từ các nguồn
Wikipedia & GV.Đặng Quốc Tuấn 

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Làm nghệ thuật 
không đủ sống ở Anh

Bridget March và 700 bức tranh vẽ về đất nước Việt Nam.

Sống ở Việt Nam hơn ba năm, nữ họa sĩ người Anh Bridget March đang ấp ủ dự tính ra mắt quyển sách tranh thứ ba của mình về nơi này, về một đất nước mà bà bảo rằng “chẳng hề có ý định rời đi”.

Đến Việt Nam lần đầu vào năm 2011 để thăm một người bạn, Bridget March lập tức có cảm tình với đất nước nhiệt đới này, để rồi 10 tháng sau đó bà chuyển đến sống tại đây. Trước đó, bà có 18 năm làm việc trong ngành nội thất, sau đó là 9 năm giảng dạy nghệ thuật tại Trường Leeds College of Art.

Làm nghệ thuật 
không đủ sống ở Anh

“Từ nhỏ tôi đã rất muốn trở thành một họa sĩ, tuy nhiên cha mẹ muốn tôi làm nghề gì đó thực tế hơn. Sau này khi vào dạy trong trường đại học, khao khát nghệ thuật lại bùng cháy khi tôi thấy các em sinh viên hết mình với đam mê", Bridget kể.
Nữ họa Bridget March chuyên sử dụng chất liệu màu nước
"Nhưng thực tế là tôi không đủ khả năng tài chính để nuôi giấc mơ nghệ thuật vì mức sống ở Anh khá cao, thế là tôi lại phải chọn giữa việc kiếm tiền và đam mê nghệ thuật. Việc đó hết sức khó khăn, tôi cảm thấy mình thật bế tắc”.
Sau nhiều năm “mắc kẹt”, chuyển đến Việt Nam là quyết định mà Bridget đưa ra ngay tức khắc sau lời rủ rê của bạn mình. Ở Việt Nam mức sống thấp hơn, Bridget có điều kiện toàn tâm toàn ý, toàn thời gian để sống với đam mê hội họa của mình, đồng thời cũng “bán được tranh để sống” như lời bà hóm hỉnh chia sẻ.
Khách mua tranh biết đến tác phẩm của Bridget qua các buổi triển lãm, qua trang web của bà, và thường chuộng các bức vẽ về những nơi họ từng đi qua và yêu thích ở đất nước này.

750 bức tranh 
về Việt Nam

Bridget March vẽ tranh đều như người ta viết nhật ký hằng ngày. Trung bình mỗi ngày bà vẽ một bức, tính đến nay đã có hơn 1.000 bức tranh trong ba năm, trong đó có khoảng 750 bức về Việt Nam. Nhiều bức đã hoàn chỉnh, có bức chỉ là phác thảo, có bức đang tô màu dở dang.
Căn hộ nhỏ của bà ở khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) tràn ngập màu sắc Việt Nam, từ hình ảnh thửa ruộng bậc thang xanh ngắt ở Sa Pa, chiếc cổng làng cổ kính ở Hà Nội, ngôi chùa uy nghiêm ở khu Chợ Lớn, Bưu điện TP.HCM cổ kính, hàng bún nhộn nhịp ở chợ Bến Thành, đến cả những bức tường in chữ “khoan cắt bêtông” hay con đường mang tên “Đường số 50” đậm chất 
Việt Nam.
Hàng Gà và Hàng Vải - Bridget March
Một ngôi miếu thờ cổ ở Hà Nội (VN) - Bridget March
Ruộng bậc thang ở Sapa (VN) - Bridget March
Bridget cho biết đến nay bà bán được khoảng 3.000 bản cả hai quyển. Sách của Bridget được bán tại các nhà sách ở Hà Nội, TP.HCM và Hội An, trên Amazon và website của bà.
Bridget March nói bà chưa từng có ý định rời Việt Nam. Khẳng định rằng mình không cô đơn khi sống một mình ở đây, March chia sẻ bà có bạn bè và hàng xóm tốt, đồng thời cũng thích yên tĩnh một mình để sáng tác cho thỏa đam mê.
“Tôi sẽ tiếp tục đi khắp Việt Nam và vẽ cho thỏa thích” - nữ họa sĩ khẳng định.

Ngôi nhà Mỹ thuật st,
Nguồn báo Tuoitre.vn

Kiệt tác hội họa của bé gái 5 tuổi bị tự kỷ

Kiệt tác hội họa của bé gái 5 tuổi bị bệnh tự kỷ.


Những bức vẽ của cô bé 5 tuổi người Anh có tên Iris mang chứng bệnh tự kỷ đã thu hút nhiều người hâm mộ. Họ ví tranh của Iris với những tác phẩm để đời của hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp Claude Monet.

Tự kỷ là một triệu chứng rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Mặc dù gặp phải những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn trong giao tiếp do căn bệnh này, nhưng cô bé Iris lại có một khả năng vô cùng đặc biệt, đó là vẽ tranh.

Iris - cô bé 5 tuổi bị chứng bệnh tự kỷ
Khác với những bạn bè cùng lứa tuổi, Iris Grace biết nói chậm hơn. Song song với quá trình ngôn ngữ trị liệu, cha mẹ cô bé cũng dần dần cho con gái tiếp xúc với hội hoạ và phát hiện ra tài năng đáng kinh ngạc của bé.
“Ban đầu, chúng tôi khuyến khích Iris làm quen với hội họa để giúp việc trị liệu hiệu quả hơn. Sau đó, chúng tôi nhận ra khả năng tập trung đáng ngạc nhiên của con bé với môn nghệ thuật này khi cháu có thể ngồi một mình trong khoảng 2 tiếng để hoàn thành một bức vẽ", mẹ của Iris, cô Arabella Carter-Johnson, chia sẻ.

Iris đang thực hiện một bức tranh
Cô bé luôn sử dụng nhiều công cụ trong việc sáng tạo nghệ thuật của mình như con lăn, bàn chải, và bọt biển. Sau khi hoàn thành mỗi tác phẩm, Iris dành thời gian để cho khô màu và rồi trở lại vẽ tiếp những nét cuối cùng. Thula, chú mèo đáng yêu thường ở bên cạnh Iris trong những lúc như thế.

Những bức tranh của Iris
Khi tạm nghỉ vẽ, Iris thường dành thời gian đọc sách, chơi với Thula hay nghe nhạc. Chỉ trong năm 2013, các tác phẩm của cô gái nhỏ đã được biết đến ở trên 207 nước. Kể từ đó, Iris đã bán những bức tranh của mình và đạt được hơn 58,000 lượt theo dõi trên Facebook. Tất cả lợi nhuận từ việc bán tranh được dùng vào việc đầu tư vật liệu vẽ và các hoạt động trị liệu bệnh của Iris.

Vẽ tranh dường như là cách giao tiếp cơ bản của Iris
Vẽ tranh chính là cách Iris thể hiện bản thân, cô bé không chỉ thoát khỏi bó buộc trong thế giới chật hẹp của riêng mình mà còn có thể giao tiếp với thế giới thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng và phong phú.

Nguồn : Báo Dân Trí (Ngọc Anh)
Theo Boredpanda