Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Nghiên cứu về Tứ Linh ở Việt Nam (P3) - Quy

Nghiên cứu Tứ Linh: Lân, Long, Qui, Phụng trong Mỹ Thuật Việt Nam (Phần 3)



Lân, Long, Qui, Phụng là những linh vật quen thuộc trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều dân tộc phương Đông. Trong đó chỉ có Rùa là Linh vật có thật, ai trong chúng ta cũng biết đến. Thế nhưng hình tượng rùa trong Văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam qua các thời đại chuyển biến như thế nào? Bài viết này Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ chia sẻ nghiên cứu về Linh vật đứng hàng thứ 3 này.

RÙA


BIỂU TƯỢNG VỮNG CHẮC CỦA SỰ TRƯỜNG SINH BẤT TỬ

Trước tiên, Rùa tượng trưng cho sự trường thọ và bền vững bói vì tự bản thân loài sinh vật này có khi kéo dài cả ngàn năm hay còn hơn thế nữa. Về phương diện sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư, tuổi thọ rất cao, có thân hình vững chắc, cứng rắn, gợi nên vẻ bền vững của đá tảng, lại giỏi nhịn ăn như là một khả năng tự vệ vô cùng lạ lùng. Rùa sống rất lâu. Như gần đây, một nhà nông ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bắt được một con rùa lạ ở núi Tiên Nham. Con rùa đó đã được xem xét kỹ lưỡng và được kết luận là đã sống qua trên dưới 800 năm. Chúng ta cũng còn nhớ chuyện Tư Mã Thiên chép trong sách Sử Ký: có một ông già đặt con rùa làm vật kê dưới chân giường. Hai mươi năm sau, con cháu cụ già di chuyển chiếc giường và phát hiện con rùa vẫn còn sống dù không được ăn uống gì cả.

Bên Trung Quốc, đời nhà Đường, vua Hiến Tông (806-820) được một viên quan tuần phủ tiến dâng một con Rùa có lông, nhà vua rất đẹp lòng, xem như là một lời cầu chúc cực kỳ tốt đẹp. Thực sự làm gì có chuyện Rùa có lông, đấy chỉ là rong rêu theo chiều dày của thời gian mà bao phủ quanh mu Rùa, đúng như mấy chữ ẩn dụ trong kinh Lăng Nghiêm: Qui mao thố giác (lông rùa sừng thỏ) để chỉ những sự việc không thể nào có được.

Do cuộc sống như thế của loài Rùa, chúng ta có thành ngữ Linh qui hạc phát (tuổi rùa tóc hạc), mái tóc bạc trắng phau như lông chim hạc, cộng thêm với tuổi thọ qua nhiều thế kỷ của con rùa, là lời chúc đẹp đẽ nhất trong những dịp kỷ niệm thượng thọ, cũng là lời chúc mừng với các bậc trưởng lão vào buổi đầu xuân ấm áp khí dương.

Theo cổ sử Trung Hoa, vào hồi đại thủy tràn khắp cả nước, vua Hạ Vũ (2205-2198 TTL)đi trấn nước lụt, đào sông khai ngòi cứu cả trăm họ, bấy giờ có con thần qui hiện lên ở sông Lạc, mang trên mình những vạch chữ kỳ lạ nên bắt chước mà xếp ra cừu trù, đấy là nguồn gốc các mối luân thường và chính trị. Cũng như vua Phục Hy thấy đồ hình trên con Long mã trên sông Hoàng Hà, nhân đó bắt chước mà làm ra 8 quẻ, để làm tượng cho những sức vô hình, tức là thiên đạo, nền tảng của dịch lý, là nguồn gốc của văn tự, văn học và triết học của một dòng lớn phương Đông cố đại.

Vì dáng vẻ bên ngoài gây ngay ấn tượng của một khối thể vững chắc, con Rùa được người Trung Hoa xem là biểu tượng của sự bền vững, và cũng do thế ở nhiều nơi nó được thờ phượng làm vị thần bảo hộ các đê điều.

Lần theo dấu vết cũ, sử xưa cũng cho chúng ta biết: vua Nghiêu đã từng nhận cống vật của người Việt thường ở phương Nam (tức Giao Chỉ, gốc tổ người Việt sau này) vào năm Mậu Thân (2353 trước TL). Cống vật là con Linh qui, đường kính lớn 3 xích (1m2), bên trên lưng con Rùa thần này có hình những chữ khoa đẩu tức là những dáng chữ lăng quăng giống như con nòng nọc, đâu to đuôi nhỏ. ghi chép tất cả những biến chuyển trọng đại từ thuở khai trời mở đất. Vua Nghiêu truyền lệnh chép lại những bản văn thiêng trên lưng Rùa.

RÙA TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM


Rùa đội bia - Huế
Đối với chúng ta, trên con đường gian khổ hình thành lịch sử dân tộc, con Rùa linh cũng đã hai lần xuất hiện trở lại với đất nước. Lần thứ nhất, Rùa vàng tức là thần Kim qui đã giúp cho An Dương Vương (257-208 trước Công nguyên) xây thành Cổ Loa và đã tặng nhà vua chiếc móng để làm lẫy nỏ bảo vệ tổ quốc Âu Lạc. Lần thứ nhì, khi Lê Lợi chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Rùa thần đã cho vị thủ lĩnh cuộc kháng chiến mượn thanh bảo kiếm để bình định giặc Minh. Nhưng khi trăm họ đã yên, đất nước đã vãn hồi nền độc lập thì Rùa thần đến đòi lại kiếm. Nhà vua gặp Rùa thần và trả lại kiếm trên hồ Tả Vọng, nên từ đó hồ cũng có tên là Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm. Ngày nay, dưới chân tháp Rùa, đôi khi chúng ta còn gặp vài con Rùa rất lớn bò lên phơi minh dưới nắng ấm, và nơi đền Ngọc Son cùng trong phạm vi của hồ, nhân dân còn bảo tàng được xác một con Rùa bằng cả cái nia to nhất, được ước đoán ít lắm cũng đã sống trên 700 năm.


Con Rùa là hình tượng rất thân thuộc nơi các công trình văn hóa chung, quen thuộc nhất là những con Rùa được đục đẽo bằng đá, khắc tạc rất vững chắc, đang đỡ lấy trên lưng mình tấm bia đá nặng ghi công đức những bậc danh nhân và hiền tài của đất nước. Điển hình là những hàng bia trước sân Văn Miếu (Hà Nội), chính vua Lê Thái Tông đã ra lệnh dựng bia tiến sĩ đầu tiên mở vào khoa Nhâm Tuất (1442) để lưu truyền vạn cổ, làm tấm gương sáng cho muôn đời.

Tượng Rùa đội hạc
Như 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê ở Hà Nội, 32 tấm bia tiến sĩ thời Nguyễn trước sân Văn Miếu Huế, dựng bằng đá thanh hoặc đá cẩm thạch, cũng được những con Rùa đá vững chắc đỡ lấy ở bên dưới. Hy vọng con Rùa vững bền thiên niên sẽ đỡ lấy tấm bia đá trường cửu cùng với thời gian và lịch sử.

Rùa đội bia Tiến sĩ tại Văn Miếu
Thương thay thân phận con Rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.

Vào thế kỷ 19, nơi mỹ thuật thời Nguyễn, con Rùa thường được sử dụng như một mô-típ trang trí trong đồ hình tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng) hoặc đôi khi chỉ đứng riêng rẽ một mình. Những khi ấy Rùa thường mang trên mình một bộ cổ đồ hay lạc thư, hoặc một chồng sách, cây bút, thanh gươm…, đằng miệng thường phun ra một tia nước khá ngoạn mục, thường gọi là “thủy ba”. Ngoài dạng Rùa y như thực, chúng ta còn gặp những dáng Rùa cách điệu, từ một cánh lá sen hay từ nhiều loại hoa, lá, cây, trái khác biến thể mà thành.

RÙA TRONG PHONG THỦY HỌC VÀ THIÊN VĂN HỌC

Trong phong thủy học có phân loại 4 phương vị tại một vị trí, đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Thì rùa là 1 phương vị trong đó: Huyền Vũ.
Huyền Vũ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen (huyền, 玄) là màu của hành Thủy ở phương Bắc, do đó tương ứng với mùa đông. Hình dạng khởi thủy của Huyền Vũ là con "vũ" màu đen, với Vũ là một linh vật kết hợp của rắn và rùa. Đây là linh vật rất cổ của Trung Hoa. Trong truyền thuyết về tổ của người Trung Quốc, Phục Hi là Tổ phụ, Nữ Oa là Tổ mẫu, thì Phục Hi có hình rùa, Nữ Oa có hình rắn. Sự kết hợp giữa rắn và rùa tượng trưng cho Trường Tồn và Sức Mạnh.

Trong thiên văn, Nhị thập bát tú là 28 chòm sao lấy Sao Bắc Đẩu làm khởi điểm mà sắp xếp. Tên gọi của 28 chòm sao có liên quan tới Tứ tượng gồm: 7 sao Thanh Long ở phương Đông, 7 sao Huyền Vũ ở phương Bắc, bảy sao Bạch Hổ ở phương Tây, 7 sao Chu Tước ở phương Nam.

Tại Việt Nam, Huyền Vũ còn được gọi là Trấn Vũ (hay Trấn Võ), Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn trị phương Bắc. Thần đã giúp An Dương Vương trừ các loại ma quỷ trong lúc xây thành Cổ Loa (cùng thần Kim Quy). Thần được thờ trong Đền Quán Thánh (Trấn Vũ Quán) - là một trong Thăng Long tứ trấnThăng Long tứ quán, được xây dựng dưới thời Lý Thái Tổ(1010-1028)

Ngôi nhà Mỹ thuật,
Biên soạn từ các nguồn : Wikipedia & nghethuatxua

0 nhận xét :